Mặc dù có nhiều thuận lợi trong việc mở rộng thị trường. Tuy nhiên, vấn đề về thương hiệu của ngành gỗ Việt Nam đang là rào cản khiến nhiều DN trong nước giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các nước khác.
Hiện Nay, hơn 4.500 doanh nghiệp gỗ của cả nước, mới có 1 doanh nghiệp có thể tự xuất khẩu đồ gỗ nội thất mang thương hiệu riêng của Việt Nam ra nước ngoài.
Ngành gỗ Việt Nam có bước tăng trưởng ngoạn mục trong những năm gần đây, nhất là trong xuất khẩu. Với gần 10 tỷ USD xuất khẩu của ngành gỗ… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây có thống kê cho thấy, lâm sản vẫn đang nổi lên là ngành đạt tăng trưởng cao về giá trị xuất khẩu.
Ảnh minh họa
Trong tháng 3/2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 872 triệu USD. Lũy kế cả quý I năm 2019 đạt 2,3 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mục tiêu mà ngành gỗ đặt ra trong năm 2019 phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng thêm từ 1,5 – 1,7 tỷ USD (tương ứng 16 – 18%) so với năm 2018 lên 10,8 – 11 tỷ USD.
Thế nhưng, một chiếc ghế hiện là sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam gia công cho thương hiệu nước ngoài chỉ có giá 5.000 đồng nhưng nếu có phần chất xám và thiết kế khi bán ra thị trường sẽ được giá gấp 3 lần. Đây là lý do để nhiều chuyên gia tại hội nghị ngành gỗ mới đây cho rằng phải nhanh chóng xây dựng thương hiệu cho ngành gỗ Việt Nam.
Tương tự, Hiệp hội Gỗ Việt Nam cũng có thống kê số liệu, trong số 4.500 doanh nghiệp gỗ hiện chỉ có 1 doanh nghiệp xuất khẩu thương hiệu. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu làm tốt khâu sản xuất, doanh nghiệp gỗ mới chỉ thu tiền ở thị trường 140 tỷ USD, còn khai thác chuỗi giá trị hàng hóa tiêu dùng sẽ mang đến thị trường 450 tỷ USD. “Thả con săn sắt, bắt con cá rô” được coi là chiến lược cần có để thực hiện giấc mơ á quân của ngành gỗ trong 6 năm tới.
Ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ trong năm 2019 là rất lớn. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định được giá trị gỗ xuất khẩu của Việt Nam thì các DN sản xuất kinh doanh cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất thì việc phát triển và xây dựng thương hiệu là rất quan trọng. Cùng với đó, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019 chính thức mở ra các thị trường mới cho đồ gỗ từ Việt Nam như Canada, Mexico, Peru….
Dù có nhiều thuận lợi trong việc mở rộng thị trường nhưng vấn đề thương hiệu đang là rào cản khiến nhiều DN trong nước giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các nước khác. Do đó, để có thể cạnh tranh ở những thị trường này các DN xuất khẩu gỗ của Việt Nam cần chú trọng xây dựng thương hiệu mạnh tạo cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu, ông Quyền chia sẻ thêm.
Như vậy, trong tương lai không xa Việt Nam sẽ không chỉ xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ mà còn xuất khẩu không gian thiết kế nội thất đồ gỗ với nhiều hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao. Điều này, Việt Nam cần sớm xây dựng thương hiệu ngành gỗ để sớm có tên trên bản đồ thương hiệu sản phẩm đồ gỗ của thế giới.
Minh Sơn – Ngọc Danh