UAV - 02, VT Patrol là hai trong số những chiếc máy bay không người lái do Việt Nam chế tạo, nhằm góp phần phục vụ kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.
Năm 2013, Viện Kỹ thuật quân sự Phòng không - không quân công bố đã triển khai và chế thứ 5 mẫu máy bay không người lái để phục vụ huấn luyện cho máy bay Su-30MK2. Trong số các mẫu thử nghiệm, UAV-02 thể hiện tính năng tốt hơn. Máy bay được thiết kế với hai động cơ phản lực, sải cánh 2,8m, chiều dài thân 2,5m. Máy bay có thể đạt tốc độ hành trình từ 250 đến 350 km/giờ, bán kính hoạt động 100km, độ cao bay tối đa 8.000m. UAV- 02 nặng 38kg khi nạp đủ nhiên liệu với thời gian hoạt động tối đa là 45 phút. Ảnh: Quân đội nhân dân.
Máy bay không người lái hạng nhẹ VT Patrol, do các nhà nghiên cứu của Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) chế tạo năm 2013, có thể hoạt động trong thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ chỉ 10 độ C và có mây mù. Máy bay được làm bằng composite hàng không chất lượng cao với sải cánh 3,3m, trọng lượng cất cánh 26 kg. Vận tốc của VT Patrol có thể đạt từ 100 đến 150 km/giờ, cự ly hoạt động 50 km, trinh sát bằng camera quang hồng ngoại full HD có thể nhận dạng và phân biệt mục tiêu người lính trong khoảng cách 600 m. Ảnh: Viettel.
Đầu tháng 5/2013, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) đã thử nghiệm thành công 3 trong 5 mẫu máy bay không người lái, trong đó loại lớn nhất có thể bay với bán kính 100 km, trần bay 3 km, tốc độ tối đa là 180 km/h, thời gian hoạt động trên không 6 giờ và có thể bay cả ngày và đêm. Máy bay được thử nghiệm ở Hà Nội, Tây Nguyên, Khánh Hòa và cho ra những bức ảnh đẹp rõ nét. Ảnh: Vietnam+.
Không ảnh cận cảnh điểm cực đông đất liền tọa độ 12 độ 38'52''N, 109 độ 27'44''E được máy bay không người của VAST thực hiện. Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp.
Tại Techmart 2015, chiếc Pelican VB-01 của Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học thu hút sự quan tâm của nhiều người. Máy bay này phục vụ việc quan sát thực địa từ trên không với sải cánh 2.412 mm, dài 1.660 mm, trọng lượng không tải 5 kg và tải thêm được 10 kg. Động cơ máy bay chạy điện, có thể hoạt động liên tục trong 45 - 90 phút. Tốc độ bay hiệu quả là 75 km/h ở cao độ 200 - 500 m. Ảnh: Quý Đoàn.
Chiếc Drone của bộ môn Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ (Đại học Bách khoa Hà Nội) là dạng máy bay lên thẳng nhiều cánh quạt tương tự như các loại flycam trên thị trường. Drone có bốn cụm động cơ, mỗi cụm có hai động cơ vận hành hai cánh quạt để nâng và di chuyển tải trọng có thể lên tới 12 kg. Hai cánh quạt ở một cụm động cơ quay ngược chiều nhau giúp cân bằng phản lực tác động lên toàn bộ hệ thống. Trần bay của Drone là 500 m, thời gian bay 15 - 20 phút cho mỗi lần sạc đầy pin. Ảnh: Quý Đoàn.
Mới đây, Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam tiếp tục công bố thử nghiệm thành công máy bay trinh sat điện tử không người lái tầm xa. Máy bay có sải cánh 22m, tải trọng 1.350 kg, cự ly bay trên 4.000 km hành trình 35 giờ liên tục. Sử dụng vệ tinh dẫn đường, máy bay được tích hợp các thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học và trinh sát điện tử cho an ninh, quốc phòng. Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp.